Không chịu nổi chi phí vận hành bộ máy trong khi tiêu thụ giảm, hàng tồn kho cao, mới đây Honda Việt Nam đã phải cho lao động tạm nghỉ việc 10 ngày. Trước đó, Yamaha Việt Nam cũng phải cho lao động tạm nghỉ việc 2 tuần với lý do tương tự. Từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều DN sản xuất lắp ráp xe máy trong nước đã phải cho lao động tạm nghỉ việc một thời gian, hưởng 50 70% lương. Các DN ô tô cũng phải cho công nhân tạm nghỉ việc, giãn việc làm ca hay chuyển làm công việc khác. DN ít cũng đang cho lao động nghỉ 10 ngày.
Thị trường ô tô, xe máy đang rơi vào khủng hoảng bởi hàng loạt doanh nghiệp (DN) lắp ráp ô tô và xe máy đối mặt với tình trạng ế ẩm, buộc phải giảm giá bán, thậm chí tạm dừng sản xuất.
Nhiều tháng gần đây, các cửa hàng ô tô, xe máy luôn trong tình trạng người bán nhiều hơn người mua. Các DN và đại lý phải tìm cách tự kích cầu bằng giảm giá, tặng quà, bán dưới giá niêm yết, hỗ trợ vay vốn... để thu hút khách. Tuy nhiên, việc làm này cũng không thể đưa thị trường sôi động trở lại như trước.
Xe máy - hòa vốn đã may
Hiện nay, hầu hết tại các đại lý, các mẫu xe tay ga của Honda đều bán dưới giá đề xuất khá xa. Như PCX giá đề xuất của nhà máy là 59 triệu đồng, nhưng giá bán tại các đại lý, cửa hàng chỉ dưới 54 triệu đồng/xe; xe Lead có giá đề xuất 35,5 - 36,5 triệu đồng/xe nhưng bán khoảng 34,5 - 35,5 triệu đồng; Honda Vision trước đây bị đẩy giá lên 6 - 7 triệu/xe nay bán thấp hơn giá đề xuất 1 - 2 triệu/xe. Với các xe Yamaha giá cũng giảm 1 - 3 triệu đồng.
Những loại xe như Luvias, Novo, Cuxi, Mio Classico của Yamaha bán rất chậm. Xe tay ga hạng sang Piaggio cũng ảm đạm không kém, mặc dù giá bán đã giảm 1 - 3 triệu đồng/xe. Các mẫu xe của một số DN trong nước sản xuất lắp ráp như Sufat, Lisohaka đã chậm nay còn chậm hơn mặc dù giá cũng giảm 2 - 5 triệu đồng/xe…
Theo một số đại lý xe máy lớn, có tiếng tại Hà Nội, nếu như trước đây bán cả nghìn xe mỗi tháng thì nay chỉ bán ra hơn một trăm xe. Thị trường xe máy tiêu thụ ước giảm tới 40% so với đầu năm 2011. Các DN, đại lý cho biết hòa vốn đã là may lắm rồi, trên thực tế, nhiều đại lý đã lỗ vốn. Hiện nay có đến gần 80% xe máy bán giá hòa vốn hoặc lỗ vốn, nếu có lãi cũng chỉ tượng trưng 300.000 - 500.000 đồng/xe, trừ vào chi phí thuê địa điểm, trả lương, vận hành bộ máy cũng vừa đủ.
Ôtô - đóng băng đồng loạt
Thê thảm hơn, thị trường ô tô đã gần như “đóng băng”. Hiện để kích cầu, kéo khách, các đại lý đã “tung chiêu” giảm giá, khuyến mãi lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng vẫn chẳng ăn thua. Mercedes - Benz Việt Nam phải giảm giá bán cho 4 mẫu xe thể thao hạng sang. Trong đó, có mẫu xe đã giảm giá 300 triệu - 1,3 tỷ đồng. Honda Việt Nam đã quyết định tặng khách hàng mua xe Civic 40 - 55 triệu đồng trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5.
Trong khi đó, GM Việt Nam cũng hỗ trợ 100% phí bảo hiểm thiệt hại vật chất trong hai năm và hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ cho khách hàng giá trị hơn 50 triệu đồng/xe. Ford Việt Nam giảm giá bán với mức giảm cao nhất lên đến 86 triệu đồng/xe. Trường Hải ưu đãi khách hàng tới 100 triệu đồng. Công ty VinaMazda khuyến mại khi mua xe có trị giá 35 - 80 triệu đồng. Renault cũng đang giảm xe Pluence từ hơn 1 tỷ đồng còn 920 triệu đồng.
Một số DN như Ford từ tháng 2 đến nay đã hai lần cho lao động tạm nghỉ việc mỗi lần 2 tuần; GM cũng đã cho lao động tạm nghỉ việc. Hiện Hiệp hội ô tô Việt Nam (VAMA) đang có 18 DN thành viên với trên 60.000 lao động, nếu tính cả số lao động trong lĩnh vực cung cấp linh kiện, bán hàng và bảo dưỡng sửa chữa thì khoảng 200.000 người, đến nay nhiều lao động trong số này đã không có việc làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét